Ảnh hưởng Cuộc bao vây Đại sứ quán Iran

Trước năm 1980, Luân Đôn từng là nơi xảy ra nhiều vụ khủng bố liên quan đến chính trị Trung Đông, trong đó có vụ ám sát ông Qadhi Abdullah al-Hajjri - cựu Thủ tướng Cộng hòa Yemen và vụ tấn công vào một chiếc xe khách chở các nhân viên của hãng hàng không El Al của Israel. Mặc dù còn có vài vụ tấn công riêng lẻ khác liên quan đến vấn đề Trung Đông và Bắc Phi trong vài năm tiếp theo sau vụ đại sứ quán Iran, nổi bật nhất là vụ sát hại nữ cảnh sát Yvonne Fletcher trong đại sứ quán Libya năm 1984, nhà sử học Jerry White tin rằng sự kiện ở đại sứ quán Iran "đã đánh dấu sự kết thúc của một sân khấu giải quyết các rắc rối ở Trung Đông kéo dài ba năm ở Luân Đôn."[67]

Cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm SAS, đã được truyền hình trực tiếp vào giờ cao điểm của tối thứ Hai của ngày lễ ngân hàng và được hàng triệu người, chủ yếu ở Vương quốc Anh, xem, khiến nó trở thành một trong những thời khắc lịch sử quan trọng nhất trong lịch sử nước Anh. Hai hãng thông tấn BBC và ITV đều phải hủy phát các chương trình theo lịch của họ, và BBC phải ngừng phát trực tiếp trận chung kết của Giải vô địch Bida thế giới để chiếu kết cục của cuộc đột kích.[50] Sự kiện này cũng là đòn bẩy thăng tiến lớn cho sự nghiệp của nhiều nhà báo Anh. Kate Adie, phóng viên trực ban của BBC tại đại sứ quán khi cuộc tấn công của SAS bắt đầu, tiếp tục đưa tin về phiên tòa xét xử Nejad và sau đó đưa tin về các vùng chiến sự trên khắp thế giới và cuối cùng trở thành Trưởng Văn phòng Thông tín của BBC News.[68] David Goldsmith và nhóm phóng viên của ông, những người chịu trách nhiệm về việc ghi lại sự kiện phía sau đại sứ quán, được trao tặng giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh Quốc cho hạng mục Tin tức xuất sắc nhất.[69] Chiến dịch Nimrod được coi là "một thành công gần trong mọi mặt."[70] Margaret Thatcher sau này kể lại rằng bà đã được những lời chúc mừng ở bất cứ nơi nào bà đến trong những ngày tiếp theo, và nhận được tin nhắn ủng hộ và chúc mừng từ các nhà lãnh đạo thế giới khác. Tuy nhiên, vụ việc đã làm căng thẳng hơn mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Anh và Iran sau Cách mạng Hồi giáoIran. Vài quan chức của chính phủ Iran tuyên bố rằng cuộc sự kiện đại sứ quán Iran ở Luân Đôn được giật dây bởi chính phủ Hoa Kỳ để gây áp lực với họ sau vụ Khủng hoảng con tin ở Tehran, và vinh danh những con tin bị giết là những người tử vì đạo.[71][72][73]

Chiến dịch Nimrod đã đưa lực lượng đặc nhiệm SAS nổi tiếng thời Chiến tranh Thế giới thứ hai ra ngoài ánh sáng.[74][75] Bộ tư lệnh của các trung đoàn SAS dù không hài lòng về việc "ra mắt công chúng," nhưng sự kiện này đã giúp SAS thoái khỏi kết cục bị giải tán và tránh được những tố cáo về việc sử dụng nguồn lực một cách lãng phí. Sau cuộc đột kích, số lượng đơn đăng ký vào SAS gia tăng một cách chóng mặt. Dù Trung đoàn SAS 22 chỉ nhận đăng ký từ những cá nhân đang phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Anh, nhưng SAS vẫn còn hai trung đoàn khác là Trung đoàn SAS 21 và 23 của Lực lượng Nội địa Anh. Hai trung đoàn này đã nhận được hàng trăm đơn đăng ký, vượt xa các kết quả tuyển quân từ những năm trước đó. Theo Tướng de la Billière, những người nộp đơn này "tin chắc rằng họ sẽ được cấp một chiếc mũ Balaclava và một khẩu súng tiểu liên ở ngay bàn đăng ký để họ có thể tự thực hiện một cuộc đột kích vào đại sứ quán theo kiểu của riêng họ."[59][76] Ngoài ra, SAS cũng nhận được nhiều lời mời hợp tác huấn luyện với các quốc gia đồng minh và những quốc gia phù hợp với lợi ích của người Anh. Chính phủ Anh sau đó đã cho phép các quốc gia nước ngoài "mượn" lực lượng SAS để hỗ trợ các vụ bao vây hoặc các vụ khủng bố, đồng thời, các quan chức chính phủ Anh cũng tin rằng mối quan hệ tốt với SAS là "mốt" trong thời gian đó.[77][78][73][79] Mặc dù trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng SAS vẫn không được quảng bá rộng rãi trong Chiến tranh Falklands năm 1982 vì họ không tiến hành nhiều chiến dịch đáng kể, và theo đó là trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991.[80][81]

Phản ứng của chính phủ Anh với vụ việc trên, cùng với quyết định sử dụng vũ lực để chấm dứt bạo lực đã củng cố uy tín của Chính phủ Bảo thủ nói chung và Thủ tướng Margaret Thatcher nói riêng. Nhiều người tin rằng kết quả của cuộc bao vây là minh chứng cho chính sách không nhượng bộ với khủng bố của chính phủ Anh và "không có nơi nào mà hiệu quả của cách phản ứng với khủng bố này được thể hiện hiệu quả hơn."[73][82]

Tòa đại sứ quán Iran bị hư hại đáng kể trong cuộc đột kích ngày 5 tháng 5, phần lớn là do đám cháy gây ra. Hơn một thập kỷ sau, chính phủ Anh và Iran đi đến thỏa thuận chung, theo đó Vương quốc Anh sẽ sửa chữa lại đại sứ quán của Iran ở Luân Đôn, và Iran sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa lại đại sứ quán của Anh ở Tehran, vốn bị phá hỏng nặng nề trong Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Đại sứ quán Iran được mở cửa trở lại vào tháng 12 năm 1993.[83]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cuộc bao vây Đại sứ quán Iran http://news.bbc.co.uk/2/hi/in_depth/uk/2000/irania... http://news.bbc.co.uk/2/hi/in_depth/uk/2000/irania... http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk_news/4285827.stm http://news.bbc.co.uk/1/hi/in_depth/uk/2000/irania... http://news.bbc.co.uk/2/hi/in_depth/uk/2000/irania... https://www.bbc.com/news/uk-12020393 https://www.polygon.com/2014/10/21/7033719/how-rai... https://www.theguardian.com/uk/2002/jul/24/militar... https://www.theguardian.com/politics/2005/feb/20/t... https://www.theguardian.com/film/2017/nov/03/6-day...